Ứng xử văn hóa nơi công cộng tạo nét đẹp thanh lịch
Nhằm góp phần hình thành nét đẹp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch và văn minh, tuần vừa qua các thầy cô giáo chủ nhiệm và học sinh nhà trường đã tham gia buổi giao lưu và chia sẻ sáng và chiều về chủ đề “Ứng xử văn hóa nơi công cộng”.
Dựa trên Bộ Quy tắc Ứng xử văn hóa nơi công cộng ban hành kèm theo Quyết định số 1665/QĐ-UBND ngày 10/3/2017 của UBND thành phố Hà Nội, cùng với sự hiểu biết và thực tế sinh động, các thầy cô giáo và học đã có những chia sẻ hữu ích, nhận ra những điều nên và không nên làm tại các nơi công cộng.
Ảnh: CB-GV và HS tham gia giao lưu, chia sẻ trực tuyến
Về quy tắc ứng xử tại vỉa hà và lòng đường, người tham gia đều nhận thấy cần phải giữ gìn, làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường; duy trì trật tự, vệ sinh thường xuyên; đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Đồng thời, mỗi người cần ý thức về việc không nên chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; không treo, đặt biển hiệu quảng cáo trái phép; không được đun, nấu, đốt lửa trên vỉa hè, lòng đường và không được tự ý thay đổi hiện trạng vỉa hè, lòng đường.
Đặc biệt, tại vườn hoa, quảng trường, tượng đài và công viên, chúng ta cần bảo vệ, đóng góp, phát huy giá trị công trình; giữ gìn trật tự, vệ sinh không gian chung. Để giữ gìn và tạo ra nét văn hóa tốt đẹp, mỗi người khi đến các địa điểm trên không nên viết, vẽ, treo, dán quảng cáo, leo trèo lên tượng đài và công trình; không hái hoa, bẻ cành, phá rào, trèo cây, hái quả hoặc bày, bán hàng tùy tiện.
Ảnh: Nhận diện một số hành động đẹp và chưa đẹp tại buổi chia sẻ
Sau khi được chia sẻ về thực tế tại một số cơ sở tín ngưỡng và tôn giáo, các thầy cô giáo và học sinh nắm bắt được các ý gồm: Tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo; giữ gìn, phát huy nghi thức, giá trị truyền thống; chấp hành quy định, hướng dẫn tại nơi thờ tự; đi nhẹ, nói khẽ, giữ gìn trật tự, vệ sinh chung. Bên cạnh đó, mỗi người nhận thức: Không thực hành, ủng hộ mê tín dị đoan (mê tín dị đoan gồm: đốt đồ mã, đồng cốt, thầy cúng, thầy bói, xem số, xem bói, xóc thẻ…); không lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, xâm hại lợi ích của tập thể, cá nhân; không xâm hại cảnh quan, không gian tín ngưỡng, tôn giáo; không mặc trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm.
Ảnh: Cùng nhau ứng xử đẹp tại các nơi công cộng
Một sự tinh tế cần có là, tại bảo tàng, thư viện và nhà văn hóa, cần giữ gìn trật tự; hạn chế dùng điện thoại di động; tuân thủ theo hướng dẫn và bảo vệ tài sản. Tại đây, người đến không được làm hư hại, sai lệch hiện vật, không mang theo vật nuôi hoặc phương tiện, vật dụng dễ cháy, nổ.
Buổi giao lưu, chia sẻ còn giúp cho HS nắm rõ hơn những việc cần làm, không được làm tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn; tại nhà ga, bến xe ô tô, bến tàu, thuyền, sân bay; tại các khu vui chơi, giải trí, điểm tham quan du lịch và khi tham gia giao thông. Cùng với các quy định hiện hành, mỗi chúng ta cần có hành động chuẩn mực, hình thành nét đẹp văn hóa tại nơi chúng ta đền; từ việc điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân và tổ chức nơi công cộng để cộng hưởng xây dựng Thủ đô văn minh và hiện đại.
Chỉ khi chúng ta thấu hiểu hiểu mục đích và ý nghĩa của Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa nơi công cộng, chúng ta mới có ý thức và thực hiện với trách nhiệm cao nhất. Và chỉ khi chúng ta hành động chuẩn mực, chúng ta mới mang lại giá trị đạo đức cho bản thân, mang lại lịch ích cho cộng đồng, góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước.
Thực hiện: Danh Chiến
Bình luận :