Tập huấn công tác giáo dục học sinh tại trường THPT Cao Bá Quát- Quốc Oai
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh THPT là một nội dung quan trọng thể hiện mục tiêu của chương trình giáo dục 2018 bởi nó gắn liền với quá trình phát triển năng lực chung, năng lực cốt lõi cho các em. Đây là một quá trình lâu dài, cần đến sự kiên trì, bền bỉ và sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội
Tại trường THPT Cao Bá Quát, công tác giáo dục học sinh luôn được nhà trường chú trọng, từ khâu trang bị kiến thức chung đến việc hiện thực hóa thành những chuyên đề giáo dục theo từng học kì, từng tháng. Bởi vậy, ngay từ giữa tháng 8, nhà trường đã lên kế hoạch mời chuyên gia về tập huấn công tác giáo dục học sinh cho tập thể giáo viên nhà trường.
Phổ biến chuyên đề là nhà giáo-tiến sĩ giáo dục học Lê Thị Thu, hiện là chuyên gia tâm lí, trưởng bộ môn Lịch sử trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, trường Đại học sư phạm Hà Nội. Cô giáo nhấn mạnh: Công tác giáo dục học sinh bắt đầu từ sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội nhằm mục tiêu hình thành và phát triển nhân cách học sinh. Buổi tập huấn diễn ra sôi nổi cuốn hút, cô đã dẫn dắt từ những ví dụ, tình huống cụ thể, thực tế mà nhiều giáo viên, nhất là GVCN từng trải qua nên rất thu hút sự chú ý của giáo viên trong trường.
Hoạt động khởi động diễn ra trong sự hào hứng của 5 nhóm. Lâu nay, nghề giáo luôn được vinh danh là “nghề cao quý”, nhưng thực tế, xã hội vẫn nhìn thầy cô với con mắt không chỉ yêu kính, biết ơn mà cả những dò xét, nghi ngờ, áp đặt. Lớp học chính là một xã hội thu nhỏ mà thầy cô, nhất là giáo viên chủ nhiệm phải mang trên vai nhiều trách nhiệm. Vậy, thầy cô hạnh phúc hay không hạnh phúc khi làm việc này?
Phần thứ hai là một nội dung quan trọng nhưng rất gần gũi với GV chủ nhiệm, đó là phần thực hành Lập kế hoạch một hoạt động cho học sinh. Các nhóm đã thảo luận sôi nổi và hào hứng thể hiện nội dụng kế hoạch trên bảng phụ. Tuy kế hoạch giáo dục của các nhóm khác nhau về chủ đề và trình tự thực hiện nhưng đều tập trung vào các nội dung cần có. Dưới sự hướng dẫn của chuyên gia, một sườn kế hoạch đã được định hình, đó là Tên kế hoach- Mục tiêu- Hoạt động của học sinh-Kết quả cần đạt- Thiết bị và Sản phẩm, đánh giá.
Tóm lại, trong hoạt động giáo dục, người học luôn ở vị trí trung tâm, vì thế việc nhận định, tìm hiểu, đánh giá học sinh là rất quan trọng. Muốn làm tốt công tác chủ nhiệm, thầy cô phải thấu hiểu học sinh và có kĩ năng giao tiếp hiệu quả, biết phối hợp các lực lượng giáo dục. Theo cô Thu, hãy luôn dùng quy tắc “Rót trà” trong các mối quan hệ với học sinh để nghiêng mình xuống, gần gũi với học sinh hơn để lắng nghe, sẻ chia, thấu hiểu, định hướng.
Dưới đây là những hình ảnh buổi tập huấn
Bài viết: Phương Hoa
Duyệt bài: NTH
Bình luận :