Hướng đến kỷ niệm 75 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946- 19/12/2021)
Nguồn: Bộ VHTT và Du lịch
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công mở ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc ta. Nó phá tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp hơn 80 năm và ách thống trị của phát xít Nhật gần 5 năm, lật nhào ngai vàng phong kiến ngự trị gần chục thế kỉ nước ta, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á ra đời, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam, mở đầu kỉ nguyên mới của dân tộc: kỉ nguyên độc lập, tự do; kỉ nguyên nhân dân lao động làm chủ chính quyền, chủ đất nước, chủ vận mệnh dân tộc... Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã tác động, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các thuộc địa, làm cho các thế lực đế quốc và bọn phản động quốc tế hết sức lo sợ.
Ngày 23/ 9/1945, núp bóng quân Anh vào giải giáp phát xít Nhật, thực dân dân Pháp nổ súng đánh chiếm Nam Bộ. Từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, 20 vạn quân Trung Hoa Dân quốc kéo vào nước ta theo âm mưu của đế quốc Mỹ. Theo chân thực dân, đế quốc và quân Trung Hoa Dân quốc, bọn phản động từ ngoài nước kéo về kết hợp với bọn phản động trong nước chống phá chính quyền cách mạng non trẻ. Trong khi đó, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng: sản xuất trì trệ, ngân khố quốc gia trống rỗng, nạn đói năm 1945 làm gần 2 triệu người chết chưa khắc phục xong, hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội còn rất phổ biến, các thế lực phản động ra sức hoạt động chống phá... Vận mệnh dân tộc nguy nan như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Trong tình thế hiểm nghèo ấy, Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã đề ra những quyết sách đúng đắn, sáng tạo: tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, Hội đồng nhân dân nhằm củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng nền móng cho chế độ mới; phát động phong trào tăng gia sản xuất, xóa bỏ mọi thứ thuế vô lý, thực hiện giảm tô, chia lại ruộng công, tịch thu ruộng đất của đế quốc, việt gian chia cho nông dân nghèo; mở lớp Bình dân học vụ kêu gọi toàn dân tham gia phong trào xóa nạn mù chữ; xây dựng “Quỹ độc lập” và phong trào “Tuần lễ vàng” huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân; phát triển lực lượng vũ trang cách mạng theo nguyên tắc toàn diện cả về chính trị và quân sự, chú trọng cả số lượng và chất lượng... Nhờ đó, chỉ một thời gian ngắn, ta đã căn bản diệt được “giặc đói”, “giặc dốt”, giải quyết khó khăn về tài chính, từng bước tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh.
Với sách lược “phân hóa kẻ thù” hết sức khôn khéo, trên nguyên tắc giữ vững chủ quyền và độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã tạm thời hòa hoãn với quân Trung Hoa Dân quốc để giữ vững chính quyền, tạo điều kiện đối phó với quân Pháp ở miền Nam, phá tan âm mưu “diệt Cộng cầm Hồ”, “Hoa quân nhập Việt”. Hơn 6 tháng sau, ngày 28/02/1946, Hiệp ước Hoa - Pháp được ký kết, đứng trước âm mưu hợp sức tiêu diệt phong trào cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa của bè lũ đế quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã ra quyết sách vô cùng sáng suốt là “Hòa để tiến” bằng việc ký với Pháp Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946, đẩy quân Trung Hoa Dân quốc ra khỏi Việt Nam, làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng nước ta, đồng thời có được “thời gian tạm hòa hoãn” để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến với quân Pháp chắc chắn sẽ xảy ra.
Tiếp đó, khi quân Pháp liên tục gây hấn, để tạm đầy lùi nguy cơ xung đột lớn, tranh thủ thêm thời gian xây dựng lực lượng, Chính phủ Việt Nam đã đi tới “bước nhân nhượng cuối cùng”, ký với Pháp “Tạm ước”(14/9/1946), thừa nhận quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp ở Việt Nam; Pháp phải đình chiến và tôn trọng quyền tự do dân chủ và ngừng bắn ở Nam Bộ.
Tuy nhiên, nỗ lực và thiện chí của Chính phủ ta vẫn không đạt được do thực dân Pháp quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không chỉ mở rộng chiếm đóng ở miền Nam, Pháp còn gây hấn, nổ súng tấn công ra nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc, tàn sát đồng bào ta. Đỉnh điểm là ngày 18-12-1946, quân Pháp trắng trợn gửi tối hậu thư, láo xược đòi ta để cho chúng chiếm giữ thêm một số vị trí quan trọng ở Hà Nội, đòi giải tán các lực lượng bảo vệ của ta, đình chỉ các hoạt động chuẩn bị kháng chiến, đòi trao cho quân đội Pháp việc duy trì an ninh trong thành phố, hạn cuối cùng, chậm nhất vào ngày 20/12/1946.
Không thể nhân nhượng được nữa, nếu tiếp tục nhân nhượng sẽ mất chủ quyền, nhân dân sẽ trở lại kiếp ngựa trâu. Tình thế khẩn cấp đòi hỏi Đảng và Chính phủ phải có quyết định kịp thời. Ngày 12/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”. Trong hai ngày 18 và 19/12, Hội nghị bất thường Ban Thường vụ Trung ương họp tại làng Vạn Phúc, quyết định phát động cuộc kháng chiến trong cả nước. Hội nghị đã vạch ra đường lối cơ bản cho cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ sau này và thông qua lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch.
Nguồn: Bộ VHTT và Du lịch
Lời “ Kêu gọi toàn quốc kháng chiến” được truyền đi khắp cả nước, làm rung động cả triệu con tim Việt Nam, như một lời hịch cứu nước vang dội non sông, thôi thúc cả dân tộc chung sức, đồng lòng vùng dậy quyết chiến, quyết thắng quân Pháp xâm lược.
Lời kêu gọi có đoạn: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…
…Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước…”
Quyết định của Đảng và Bác Hồ ra lời kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên chống giặc, cứu nước đáp ứng đòi hỏi khách quan của lịch sử và nguyện vọng của nhân dân lúc bấy giờ. Một lựa chọn hoàn toàn đúng đắn, không có con đường nào khác. Bởi, nếu không dám chấp nhận cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp thì sẽ mất độc lập tự do mới giành được, “độc lập, tự do không thể cầu xin mà có được”.
Nhưng trước khi đi đến quyết định đó, Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã kiên trì thương lượng, cố gắng tranh thủ hòa bình, tận dụng mọi cơ hội để có thể tránh được cuộc chiến tranh cho cả hai dân tộc. Nhưng, mọi cố gắng ấy trở nên vô nghĩa trước sự hiếu chiến của bọn thực dân phản động, chúng cự tuyệt nguyện vọng hòa bình, chân chính của nhân dân Việt Nam.
Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào lúc 20 giờ cùng ngày, bằng những loạt đại bác từ pháo đài Láng bắn vào các mục tiêu của địch trong thành phố, quân và dân Thủ đô Hà Nội chính thức mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp với tinh thần "Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh".
Các chiến sỹ Vệ Quốc đoàn chiến đấu kiên cường bảo vệ từng ngôi nhà, tấc đất của Thủ đô. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Cảm tử quân Hà Nội ôm bom ba càng đón đánh xe tăng quân Pháp trong ngày đầu toàn quốc kháng chiến, cuối 1946. Ảnh: Bảo tàng Cách mạng Việt Nam
"Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ". Nhân dân Thủ đô không quản hy sinh, gian khổ ngày đêm lập những chiến lũy trên đường phố Hà Nội để ngăn cản bước tiến quân thù.
Cùng với Hà Nội, quân và dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam, từ Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương… đến Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… đã đồng loạt anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc muôn người như một, chung sức đồng lòng, nhất tề đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm với ý chí sục sôi, quyết tâm hy sinh và niềm tin tất thắng.
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến và Chỉ thị toàn dân kháng chiến của Đảng là những văn kiện lịch sử thể hiện ý chí sắt đá bảo vệ Tổ quốc độc lập của toàn dân và toàn quân ta, nêu rõ đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ một cách vô cùng giản dị và hào hùng. Tinh thần và nội dung các văn kiện đó có tác dụng chỉ đạo trong suốt chín năm kháng chiến thần thánh của dân tộc với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, “ nền vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”...
Lời kêu gọi thiêng liêng ấy đã vang lên trong một quá khứ rất xa, đã 75 năm, nhưng đến nay vẫn vẹn nguyên tinh thần và mong ước. Trước những thăng trầm của thời gian, giá trị lịch sử của "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" vẫn luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng và toàn thể nhân dân Việt Nam. Quán triệt quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kháng chiến toàn dân, Đảng ta tiếp tục phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội.
Người tuyên truyền: Nguyễn Thị Thắm
Người duyệt: NTH
Bình luận :